Ở những bài học trước, mình đã hướng dẫn cho bạn hiểu được nguyên lý hoạt động của một website, bạn cũng đã hiểu cơ bản về HTML/CSS và cũng đã tự mình xây dựng được trang web đầu tiên bằng 2 ngôn ngữ này rồi đúng không nào?. Thực sự, trang web đầu tiên đó không phải là trang web gì cao siêu cả, nó chỉ là một trang rất cơ bản và đơn giản mà thôi, có thể nhiều bạn hỏi trang đó có gì đâu mà public lên internet?. Nhưng không, đây chính là phương pháp dạy của mình đấy các bạn, mình sẽ dạy các bạn những kiến thức cơ bản trước, cốt yếu là để bạn hiểu được một website từ lúc xây dựng cho đến khi nó được public lên internet như thế nào?. Sau khi các bạn có được một website tuy đơn giản nhưng hoàn thiện từ a-z, mình lại quay lại dạy tiếp từng phần một chuyên sâu hơn. Phương pháp này mình gọi là "Từ tổng quan đến chi tiết", và mình tin rằng, phương pháp này sẽ làm cho bạn có hứng thú hơn, để học tiếp những cái mới khó khăn hơn. Và chắc chắn, khi các bạn đã nhìn được tổng quan của một website, thì khi quay lại học từng phần nhỏ trong nó, sẽ giúp bạn dễ hình dung và dễ hiểu hơn rất nhiều. Mình thấy rằng, đại đa số các bạn học làm website bằng HTML/CSS, từ các khoá học khác trên mạng, hay là được học ở các trường ĐH, dù các bạn đã khá sành sỏi, và làm được những trang web kha khá rồi, nhưng vẫn chưa biết cách để public nó lên internet như nào. Như vậy cũng ổn thôi, vì trước giờ người ta toàn đào tạo theo cách như vậy, dạy bạn từ những chi tiết nhỏ nhất, rồi dần dần mới biết đến những thứ lớn hơn, cuối cùng, khi học hết rồi bạn mới thực sự thấy được cái nhìn tổng thể. Như con ếch ngồi trong đáy giếng, càng lên gần cái miệng giếng mới thấy bầu trời càng to, và đến lúc ra khỏi miệng giếng, mới thấy được cả bầu trời. Và mình luôn nghĩ rằng, chính phương pháp dạy như thế này đã làm gò bó trí tuệ của các bạn, làm bạn học chậm hơn, thậm chí là bỏ cuộc vì chán nãn giữa chừng.
OK, dài dòng với cái phương pháp quá, bây giờ chúng ta bắt đầu bài học hôm nay nào. Đầu tiên mình sẽ hướng dẫn các bạn đăng ký Hosting, sau đó hướng dẫn các bạn upload mã nguồn website mà mình đã làm ở bài trước lên Hosting này. Thường thì khi đăng ký Hosting, người ta cũng cung cấp sẵn tên miền miễn phí luôn, nên chúng ta tạm dùng tên miền của Hosting cung cấp (chỉ là tên miền phụ thôi, không được đẹp mắt lắm). sau đó mình sẽ hướng dẫn các bạn đăng ký một tên miền miễn phí ở nhà cung cấp khác có dạng <tencuaban>.tk
trông sẽ đẹp mắt hơn và cuối cùng hướng dẫn bạn cách để trỏ một tên miền vào Hosting như nào.
Bài học này mình chỉ hướng dẫn bạn đăng ký dịch vụ Hosting và Domain ở các nhà cung cấp miễn phí, vì mình nghĩ rằng, những bạn đang học khoá học này chỉ mới là học sinh, sinh viên, nên chắc không có tiền để sài hàng có phí đâu nhỉ?. Nếu bạn nào có tiền, muốn sài hàng trả phí, thì bình luận ở dưới, mình sẽ tư vấn cho nhé. Tất nhiên hàng trả phí chắc chắn là tốt hơn hàng miễn phí, nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu học tập thì hàng miễn phí mà mình giới thiệu dưới đây là lựa chọn quá tốt rồi, nên yên tâm nhé :).
1. Đăng ký Hosting miễn phí.
Hiện nay, có rất nhiều nhà cung cấp Hosting miễn phí để chúng ta lựa chọn, nhưng ở đây mình xin giới thiệu đến bạn một trong những nhà cung cấp Hosting free tốt nhất mà trước đây mình cũng đã dùng nó, đó chính là 000webhost. Để đăng ký bạn hãy làm theo các bước mình hướng dẫn bên dưới nha.
Bước 1: Các bạn CLICK VÀO ĐÂY để truy cập vào trang đăng ký của 000webhost. Sau đó điền thông tin của bạn vào form đăng ký và click vào button SIGN UP. Ô đầu tiên bạn nhập email của bạn, ô thứ 2 bạn nhập mật khẩu, và ô thứ 3 bạn nhập lại mật khẩu mà bạn đã nhập ở ô thứ 2.
(Hình minh hoạ cho bước 1)
Sau khi bạn gửi thông tin thành công, hệ thống sẽ chuyển cho bạn một email để xác nhận, và đồng thời chuyển qua màn hình thông bao như thế này.
(Hình minh hoạ cho bước 1)
Bước 2: Bạn vào email mà bạn nhập ở form đăng ký để kiểm tra email xác nhận của 000webhost gửi cho bạn. Email nó gửi về có tiêu đề là "Please verify your email". Bạn mở email đó ra rồi click chuột vào button "Click To Verify Email" để xác nhận.
(Hình minh hoạ cho bước 2)
Sau khi click vào button "Click To Verify Email", trình duyệt sẽ mở một liên kết vào hệ thống 000webhost. Bạn đợi một lát để hệ thống xác nhận, sau khi xác nhận xong hệ thống sẽ thông báo như dưới. Bạn hãy click chuột vào button "GET STARTED" để tiếp tục.
(Hình minh hoạ cho bước 2)
Bước 3: Bây giờ hệ thống 000webhost sẽ yêu cầu bạn thực hiện thêm một số thao tác để hoàn thành việc đăng ký Hosting. Bước đầu tiên, 000webhost chỉ muốn khảo sát bạn dùng Hosting để làm gì. Bạn chọn cho mình cái ô đầu tiên, click vào button "Select" nha :).
(Hình minh hoạ cho bước 3)
Tiếp đến, bạn click chuột vào button "CONTINUE" để tiếp tục nha.
(Hình minh hoạ cho bước 3)
Tiếp nữa là nó giới thiệu trình duyệt chrome thôi, chắc là ăn tiền quảng cáo của Google đó mà :). Bước này bạn click chuột bào button "Skip" cho mình.
(Hình minh hoạ cho bước 3)
Bước tiếp theo, thiết lập tên và mật khẩu dự án. Ô đầu tiên bạn nhập tên dự án, bạn đặt gì cũng được miễn là tên này chưa tồn tại trên hệ thống, nếu bạn nhập một tên đã tồn tại, tức là có ai đó đã dùng nó để đăng ký trước đó rồi, thì hệ thống sẽ báo lỗi, lúc đó bạn chỉ cần chọn một tên khác thôi. Hệ thống sẽ dùng tên dự án này để cấp tên miền miễn phí cho bạn có dạng "<Tên Dự Án>.000webhostapp.com". Ô thứ 2 dùng để nhập mật khẩu cho dự án, mặc định nó tự tạo ra một chuổi random, bạn có thể nhập mật khẩu khác mà bạn muốn. Bạn nhớ lưu mật khẩu này lại nhé sau này còn sài nữa. Sau khi nhập xong thông tin, bạn click chuột vào button SUBMIT để hoàn thành luôn nha
(Hình minh hoạ cho bước 3)
Sau khi bạn SUBMIT thành công, hệ thống sẽ hiển thị màn hình như hình dưới, xem như chúng ta đã hoàn thành xong việc đăng ký một Hosting miễn phí từ 000webhost. Bây giờ, để upload mã nguồn website của bạn lên, bạn hãy hình cái hình bên dưới, bạn thấy có ô chữ "Upload your site" ở bên phải đúng không nào?. Click vào button Select trong cái ô đó nhé, nó sẽ chuyển bạn qua hệ thống quản lý file (tập tin).
(Hình minh hoạ cho bước 3)
2. Upload website của bạn lên hosting.
Ở phần trên mình đã hướng dẫn bạn đến trình quản lý file trên Hosting rồi, đúng không nào?. Trình quản lý nó sẽ có giao diện như thế hình dưới.
(Giao diện trình quản lý tệp tin của Hosting)
Bạn cứ hiểu rằng, nó giống như chúng ta đang quản lý tệp tin trên máy tính mình mà thôi, chẳng qua đây là một máy tính bự (Server), người ta tạo ra nhiều Hosting để cung cấp cho nhiều người dùng, nên người ta không thể cho bạn vào trực tiếp máy tính này để quản lý được, thay vào đó người ta tạo ra một trình quản lý tệp tin như này, để bạn chỉ được quản lý các tệp tin ở trong thư mục mà người ta cấp cho bạn mà thôi.
Bây giờ, ở trình quản lý file, bạn có thấy 2 thư mục "public_html" và "tmp" đúng không?. Bạn hãy nhấp đúp chuột vào thư mục public_html để vào thư mục này nhé, chúng ta sẽ upload mã nguồn website vào thư mục này. Khi bạn vào được thư mục public_html thì sẽ thấy có một file .htaccess như hình. Tiếp theo, bạn có thấy cái khung màu xanh lá mình vẽ ra ở hình trên không?. Bên trong khung đó chính là button để upload website, bạn hãy lick vào đó nha, hệ thống sẽ hiện lên một popup để chúng ta chọn các files mình muốn upload lên.
(Giao diện trình quản lý tệp tin của Hosting)
Sau khi bạn click vào button Upload ở trên, popup sẽ hiển thị như hình dưới. Bạn hãy click vào button "SELECT FILES" mà mình đã khoanh vùng xanh để chọn files từ máy tính mà bạn muốn upload lên. Files mình cần upload ở đây chính là 2 file "index.html" và "style.css" mà mình đã tạo ra ở bài 2 và bài 3.
(Giao diện trình quản lý tệp tin của Hosting)
Sau khi chọn xong, hệ thống hiển thị như hình dưới. Bạn thấy nó hiển thị tên của 2 file mà mình đã chọn để xác nhận đấy. Nếu bạn chọn nhầm thì click vào dấu "x" ở sau tên file để xoá nó đi và chọn lại file đúng. Còn nếu đã đúng rồi thì click vào button UPLOAD mình đã khoanh vùng màu xanh nhé.
(Giao diện trình quản lý tệp tin của Hosting)
Bạn đợi một lát để hệ thống upload file lên, sau khi thành công, thư mục public_html sẽ hiển thị như sau.
(Giao diện trình quản lý tệp tin của Hosting)
Khi các bạn ở trình quản lý files hơi lâu một xí, hệ thống sẽ tự động out và bắt bạn đăng nhập lại mới tiếp tục điều khiển được trình quản lý file này. Để đăng nhập lại bạn chỉ cần nhập tên dự án, và mật khẩu dự án mà các bạn đã nhập ở bước 3 của phần 1.
(Hình ảnh minh hoạ đăng nhập vào trình quản lý files)
OK, sau khi bạn upload được 2 file index.html và style.css lên hosting, là website của bạn đã hoạt động ngon lành rồi đấy, địa chỉ website của bạn như mình đã nói ở phần trên, nó sẽ có dạng như sau https://<Tên Dự Án>.000webhostapp.com. Ví dụ địa chỉ website mà mình đã tạo để hướng dẫn các bạn nãy giờ là https://hoangphiblog.000webhostapp.com. Hãy vào trình duyệt web, gõ địa chỉ website mình vào và tận hưởng thành quả nhé :).
Nãy giờ mình chỉ hướng dẫn bạn cách sử dụng hệ thống quả lý files để upload website của bạn lên thôi. Bạn muốn quản lý tổng qua về Hosting mà mình đã đăng ký thì vào địa chỉ https://www.000webhost.com/members/website/list nhé, nếu hệ thống bắt đăng nhập thì bạn hãy đăng nhập bằng email và mật khẩu mà bạn đã đăng ký ở bước 1 của phần 1.
Bài học này khá dài, mình xin kết thúc bài học ở đây, và viết tiếp phần 2, để hướng dẫn các bạn đăng ký tên miền miễn phí ở nhà cung cấp khác đẹp hơn, và cách để trỏ tên miền đó về hosting mà bạn đã đăng ký ở bài học này như thế nào nhé.
Xong bài học này, bạn thử làm một bài tập nhỏ. Tạo một website, với nội dung tỏ tình với người mà bạn yêu, rồi upload nó lên hosting với tên miền là <Tên Người Yêu>.000webhostapp.com, Sau đó chuyển địa chỉ website cho người đó vào tin nhắn facebook xem người đó sẽ phản hồi như thế nào nhé :).