Tại sao mức lương của bạn mãi không thể cao lên được?

Tại sao mức lương của bạn mãi không thể cao lên được?

Từ lúc mới bước chân vào nghề Lập Trình đến giờ, mình đã quen biết không ít đồng nghiệp, người giỏi có, người không giỏi cũng có. Người lương thấp có, người lương cao vút cũng có. Nhưng điều đặc biệt ở chỗ, 2 người có cùng xuất phát điểm về mức lương như nhau, nhưng sau vài năm, một người thì mức lương đã được nâng lên rất nhiều, nhưng người kia lại gần như dậm chân tại chỗ. Và điều không tưởng nữa, có thể có ai đó có năng lực không bằng bạn, nhưng lại nhận được một mức lương cao hơn bạn. Bạn có thấy thú vị không?, vậy điều gì tạo ra sự chênh lệch đó?.

Nếu hiện tại, bạn đang được BOSS của mình nâng lương đều đều, thì đó là điều tuyệt vời, còn nếu bạn không may mắn như vậy, bạn thấy mức lương của mình ngày càng kém xa các bạn bè đồng nghiệp khác thì sao nhỉ?. Có phải bạn đang than trách số trời bạc bẽo?, rồi đổ lỗi hết cho người này đến người khác?, đổ lỗi cho BOSS không biết cách nhìn người, thiên vị thằng này thằng nọ?. Bỏ suy nghĩ đó đi nhé, nếu bạn không muốn mức lương của mình vẫn dậm chân tại chỗ. Bởi nguyên nhân của vấn đề không nằm ở đó, mà nằm ở chính bản thân bạn, mình biết là bạn không nhìn nhận ra được điều này đâu, vì nếu biết thì chắc bạn đã khắc phục được nó, hay ít nhất bạn biết chấp nhận thân phận với mức lương bèo bọt mà không dám than trách nửa lời.

salary.jpg (33 KB)
(Tại sao lương của bạn không cao bằng người ta?)

Bài viết này, mình muốn chia sẻ một số nguyên nhân khiến bạn mãi không được tăng lương như mong đợi, được đúc kết từ kinh nghiệm của mình. Hy vọng, nó sẽ giúp được bạn thay đổi bản thân, để có một mức lương cao hơn ở tương lai.

1. Bạn không nỗ lực để tiến bộ mỗi ngày.

Quả thực, đây là nguyên nhân lớn nhất khiến cho bạn không được tăng lương. Có một câu nói, mà mình thường hay nói với các đàn em trong nghề:

Mức lương của bạn ở tương lai, phụ thuộc vào sự nỗ lực của bạn trong hiện tại

Nhiều bạn có suy nghĩ hơi quái: "Công ty chỉ trả cho tôi mức lương như vậy, thì tôi chỉ làm những việc chừng đó thôi". Bạn không chịu khó phấn đấu, học hỏi, để nâng cao năng lực, thế là cấp trên của bạn không nhận thấy sự tiến bộ của bạn mỗi ngày, và quyết định không tăng lương cho bạn khi đến kỳ review. Rồi các bạn tự nguỵ biện, nếu công ty trả lương cao hơn, thì tôi sẽ làm tốt hơn. Nhưng bạn hãy nhớ răng, người trả lương cho bạn không tin vào những gì bạn nói, họ chỉ tin vào những gì bạn đã thể hiện. Thay vì họ tin vào những lời xảo biện đó, rồi chờ đợi kết quả của bạn, thì họ nên tin vào những người đã thể hiện sự tiến bộ, đáng để tăng lương thực sự.

Mình khuyên các bạn nên thay đổi tư duy một chút. Thay vì bạn nghĩ: "Tôi đang làm việc vì mức lương hiện tại", thì hãy nghĩ rằng: "Tôi đang làm việc để tương lai có một mức lương tốt hơn". Khi bạn thực sự nỗ lực làm việc, thực sự nỗ lực để tiến bộ mỗi ngày, đó không phải vì ông chủ, hay vì công ty của bạn, mà là vì chính bản thân bạn. Vì khi trình độ của bạn tăng lên, đồng nghĩa với giá trị của bạn thân bạn tăng lên, dẫn đến lương của bạn chắc chắn sẽ được tăng theo. Và khi năng lực của bạn thực sự cao, nhưng công ty không trả được mức lương bạn mong muốn, bạn hoàn toàn có thể đủ tự tin rời khỏi công ty đó, để vào một công ty khác, mà ở đó trả cho bạn mức lương cao hơn.

Lương của bạn sẽ tăng khi giá trị bản thân bạn tăng(Lương của bạn sẽ tăng lên, khi giá trị của bản thân bạn tăng)

Nhiều người nghĩ rằng, càng có nhiều năm kinh nghiệm thì lương sẽ càng cao. Câu nói này hoàn toàn đúng, nhưng đại đã số mọi người đang hiểu sai về nó: Kinh Nghiệm = Kiến Thức + Trải Nghiệm. Nếu thời gian cứ trôi đi, nhưng bạn không học hỏi thêm nhiều kiến thức mới, không va chạm nhiều với các Công nghệ mới, thì số năm mà bạn đã trải qua đó, không thể gọi là số năm kinh nghiệm, vì năng lực của bạn thực ra không tăng được bao nhiêu, thậm chí có thể dậm chân tại chỗ.

2. Bạn không chứng minh được giá trị của bản thân bạn tạo ra cho công ty.

Một điều hiển nhiên trong cuộc sống là: Cái gì không thể chứng mình, thì nó là vô nghĩa. Cho dù năng lực bạn cao chừng nào đi nữa, nhưng bạn không thể chứng minh được điều đó, thì không ai ghi nhận cả. Và cũng có thể vì bạn không có năng lực thật, nên mới không thể chứng minh, chẳng qua trước giờ bạn luôn ảo tưởng sức mạnh, luôn cho rằng mình giỏi lắm mà thôi.

Mình nhớ, có một lần review ở công ty cũ, mình đã đề xuất với BOSS rằng: "Tôi cần nâng mức lương lên thêm 10 triệu đồng". Lúc này BOSS mình có vẻ khá ngạc nhiên, lúc đầu ông ấy phân tích mấy câu, đại loại là không đồng ý với mức lương đó. Nhưng sau đó, mình đã dùng nhiều lời lẽ để chứng minh cho ông ấy hiểu, tại sao mình lại dám yêu cầu tăng cao đến vậy, mình giải thích rành mạch từ lý do này qua lý khác. Mình nhớ câu nói hùng hồn nhất lúc đó của mình là: "Ông có thể không đáp ứng yêu cầu của tôi, ông mất đi một người như tôi, và ông dùng số lương ông trả cho tôi để có thể thuê 4 người có trình độ thấp hơn. Nhưng hiệu suất công việc của họ cộng lại, chưa chắc đã bằng tôi đâu.". Sau vài ngày suy nghĩ, BOSS mình đã đồng ý tăng lương cho mình theo yêu cầu.

Tuy nhiên, việc chứng minh giá trị bản thân bạn không hề đơn giản, nó là một kỹ năng mà các bạn cần trao dồi mỗi ngày. Điều quan trọng nhất là bạn phải hiểu được giá trị của bản thân bạn trước đã, sau đó bạn phải nhìn nhận được giá trị đó sẽ đem lại lợi ích gì cho công ty, bởi giá trị nào đó không đem lại lợi ích cho công ty, thì cũng vô nghĩa.

Nhiều người đi làm ngày qua ngày, cày cuốc này nọ, cũng chỉ chú tâm đến đồng lương, họ không nhận ra, hoặc không tìm ra giá trị của bản thân mình. Nghĩ rằng tôi cống hiến cho công ty, thì công ty phải hiểu tôi và ghi nhận những gì tôi đóng góp. Nhưng, không ai có thể hiểu bạn bằng chính bản thân bạn, ngay cả bạn còn không hiểu được mình thì làm sao công ty hiểu được bạn. Thay vì bạn ngồi đó âm thầm làm việc, rồi chờ BOSS đi hiểu mình, thì bạn nên thể hiện năng lực hằng ngày, để chứng minh điều đó. Và có khi nào bạn tự hỏi xem: "Công ty đang cần gì ở bạn chưa?". Nếu như bạn luôn tự vấn mình câu hỏi đó, và nâng cao trình độ để đáp ứng mỗi ngày, thì mình tin chắc rằng, mức lương của bạn càng ngày càng được nâng cao hơn rất nhiều.

3. Bạn không dám nhảy việc.

Với kinh nghiệm đã 7 lần nhảy việc, mình dám đảm bảo với bạn rằng, đây là chiêu thức tăng lương tốt nhất trong tất cả các chiêu thức.

Một công ty lớn, thường đã có quy trình cụ thể, mỗi năm có 1 đến 2 lần review gì đấy, để xem xét tăng lương cho nhân viên, nhưng thường thì chỉ tăng tối đa bao nhiều % đó theo quy định của công ty mà thôi, mình nghĩ đâu đó sẽ tăng 1-2 triệu gì đấy để giữ chân bạn. Nên cũng không dễ gì bạn sẽ được tăng một cách ngoạn mục, trừ khi bạn có gì đó thay đổi vượt bậc, ví dụ bạn được đề cữ lên làm vị trí cao hơn chẳng hạn.

Trong khi hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia Outsourcing (Gia công phần mềm) lý tưởng, được nhiều nước phát triển trên thế giới nhắm đến. Và thực tế cho thấy rất nhiều công ty nước ngoài đã và đang tiếp tục mở văn phòng tại Việt Nam, để có thể thuê nhân lực với giá rẻ hơn, mà vẫn đạt chất lượng tốt. Khi quá nhiều công ty mở lên, dẫn đến tình trạng thiếu nhân sự, và họ cạnh tranh lẫn nhau bằng cách nâng mức lương. Những công ty đang cần bạn, họ sẵn sàng trả cho bạn một mức lương cao hơn mức lương hiện tại mà bạn đang có, để bạn về làm việc cho họ. Và tất nhiên, nếu trình độ bạn càng cao, và bạn chứng mình được giá trị của bạn sẽ tạo ra cho công ty họ, thì mức lương sẽ càng cao.

Nhảy việc cũng là một cách để tăng lương
(Hãy là một người nhảy việc thông minh)

Nhưng mình khuyên các bạn, hãy là một người nhảy việc thông minh. Nên biết thời điểm nào nên nhảy, thời điểm nào không. Muốn nhảy vào công ty nào thì nên tìm hiểu trước đã. Và đặc biệt trước khi bạn muốn nhảy việc, thì hãy đề cập với cấp trên của mình, xem họ có giải quyết được mức lương mà bạn đang mong muốn không đã nhé. Vì nếu nhỡ công ty có thể đáp ứng được ngay mức lương mà bạn mong muốn, nhưng bạn lại không hề nói ra, thì có thể bạn sẽ rời một môi trường mà bạn thấy rất phù hợp. Và một điều nữa các bạn cần chú ý, nếu như bạn nhảy việc quá nhiều, thì sẽ tạo ra hình ảnh không tốt cho các nhà tuyển dụng sau này, vì họ nghĩ rằng, bạn là người không trung thành, và sẽ tiếp tục nhảy việc sau khi vào công ty của họ.

Hãy Like nếu bạn thấy thích bài viết này nhé :)
Hoàng Phi IT

Hoàng Phi IT.

Tác giả

Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã đọc hết bài viết của mình, nếu bạn thấy nó hữu ích hay có bất kỳ ý kiến gì hãy comment bên dưới cho mình biết với nhé!. Cảm ơn bạn rất nhiều!!!!!!!!!